Giải pháp Bảo tồn loài hổ

Để bảo tồn loài hổ, đã có nhiều giải pháp được đề ra, khuyến nghị từ tổng quát cho đến cụ thể, trong đó việc chung tay của các quốc gia thông qua các cam kết và việc hoàn thiện thể chế có ý nghĩa, các biện pháp giáo dục truyền thông đã được triển khai, nhiều khu bảo tồn đã được thiết lập, kinh phí cho việc bảo tồn cũng đã được đề xuất, tuy vậy, việc thực hiện vẫn còn những khó khăn, chông gai.

Tổng quát

Khu bảo tồn hổ Sariska ở Ấn ĐộMột con hổ tại Sundaban của Ấn Độ

Tổ chức WWF khuyến cáo Chính phủ các quốc gia nằm trong vùng phân bố của loài hổ cần đẩy mạnh cam kết hỗ trợ và đầu tư cho các khu bảo tồn, nhất là khu bảo tồn hổ, trong đó có 3 hành động cần được triển khai sớm là việc xác định và mô tả các điểm cần ưu tiên bảo tồn nhất. Ngăn chặn nạn săn trộm hiệu quả; Đảm bảo các khu bảo tồn có đủ số lượng cán bộ vững vàng về nghiệp vụ, dày dạn về chuyên môn, đồng thời được trang bị một hệ thống giám sát hiện đại nhằm phục vụ tốt nhất cho công tác bảo tồn loài hổ[17]. Các chính phủ các nước cần đóng vai trò tiên phong trong hành động này, bởi việc bảo tồn loài hổ không còn có thể đợi lâu hơn nữa.

Hiệp hội Bảo tồn động vật hoang dã (WCS, Mỹ) và Đại học Cambridge (Anh) đã tiến hành xác định 42 địa điểm ưu tiên trong cuộc chiến cứu nguy loài hổ thoát khỏi bờ vực tuyệt chủng. Đây là những khu vực bảo tồn hổ quan trọng trên thế giới thuộc các nước như Nga, Nepal, Bangladesh, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Thái Lan và Lào là những nơi số lượng hổ chiếm 70% dân số hổ toàn cầu, việc giữ an toàn các địa điểm trên cho hổ và con của chúng phát triển là công việc khả thi. Mục tiêu lâu dài là bảo tồn mạng lưới cảnh quan rộng lớn của châu Á để giúp hổ tồn tại. Phân tích gen hổ giúp bảo tồn cũng là một giải pháp, các nhà khoa học Hàn Quốc lần đầu tiên đã tiến hành phân tích ADN của hổ trong một dự án nhằm giúp bảo tồn loài thú này[4].

Hổ là loài động vật hoang dã nguy cấp trên phạm vi toàn cầu, do đó các giải pháp về hoàn thiện pháp luật đã được đề ra ở cả góc độ pháp lý quốc tế lẫn pháp luật của từng quốc gia, tại nhiều quốc gia, hổ đã được pháp luật của các nước có hổ phân bố ngoài tự nhiên và Công ước về buôn bán quốc tế các loài động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) bảo vệ. Các hoạt động buôn bán hổ cũng bị cấm kể từ năm 1987 theo Hiệp định về buôn bán quốc tế các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý hiếm (CITES), trong đó sau nhiều lần dây dưa, Việt Nam cũng đã là thành viên từ năm 1994. Hiệp định này là một thỏa thuận quốc tế quy định các hoạt động mua bán động vật hoang dã đang có nguy cơ tuyệt chủng xuyên quốc gia.

Trong số các giải pháp này, các khoản ngân quỹ của Ngân hàng sẽ nhắm tới việc bảo tồn động vật hoang dã ở Nam Á với hy vọng sẽ xây dựng được một tổ chức chống tội phạm khu vực mạnh mẽ. Những con hổ được bán với giá hàng chục ngàn đôla trên thị trường chợ đen và phần lớn được bán ở Nam Á để lấy da, thịt và xương[18]. Chương trình sẽ lập số liệu, chia sẻ thông tin và cũng sẽ được tích hợp các công nghệ khoa học kỹ thuật tốt và các tổ chức quốc tế như Interpol, Văn phòng Liên Hiệp Quốc về Tội phạm và Ma túy, tức UNODC, cũng như Hiệp ước Quốc tế về Mua bán Động vật có nguy cơ Tuyệt chủng, CITES, và Ngân hàng Thế giới cùng phối hợp trong một cơ chế có phạm vi toàn cầu để giúp tăng cường hoạt động ngăn chặn ở những điểm nóng.

Cam kết

Một nỗ lực phục hồi và bảo tồn loài hổ do các chính phủ, các tổ chức phát triển và các nhóm bảo tồn động vật đang giúp loài mèo khổng lồ này sinh sôi trở lại. Vào năm 2010, Cả 13 quốc gia có hổ đã nhóm họp ở St. Petersburg do Thủ tướng Nga là Putin chủ trì, đây là những nước duy nhất còn tồn tại loài hổ hoang dã. Diễn đàn về Bảo tồn Hổ Quốc tế ở St. Petersburg của Nga như Hội nghị thượng đỉnh lần đầu tiên bàn về một loài động vật duy nhất đã quy tụ các nhà lãnh đạo thế giới, các giới chức chính phủ và các đại diện của các tổ chức phát triển cũng như các tổ chức bảo tồn động vật phi lợi nhuận. Hội nghị Thượng đỉnh về hổ diễn ra từ ngày 21 đến 24 tháng 11 năm 2010, các nước này đã tập trung tại thành phố St. Petersburg của Nga. Mười ba quốc gia có hổ gồm Bangladesh, Bhutan, Campuchia, Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Lào, Malaysia, Myanmar, Nepal, Liên bang Nga, Thái-lan và Việt Nam đã tham gia Hội nghị này.

Đến nay hổ là động vật duy nhất là chủ đề của các chương trình hành động cấp quốc tế với tư cách là một loài đơn lẻ

Mỗi một nước trong số 13 nước này đã phát triển điều mà họ gọi là một chương trình quốc gia để phục hồi loài hổ. Và những chương trình đó đã được tổng hợp vào thành một tài liệu gọi là Chương trình Phục hồi Hổ Toàn cầu, trong đó đề ra những hoạt động mà mỗi một nước trong số 13 nước này cần tiến hành cũng như các hoạt động cần phải thực hiện xuyên biên giới, khu vực và toàn cầu. Vào ngày cuối cùng của Hội nghị, 24 tháng 11, phái đoàn các nước đã có cuộc họp ngắn để xác định những mốc thời gian cụ thể trong năm tới nhằm đạt được thảo thuận cuối cùng trong việc thực hiện và giám sát Chương trình phục hồi. Các nước này đã nhóm họp trong vòng sáu tháng tới thảo luận về nguồn tài chính để triển khai Chương trình phục hồi, đồng thời hoàn thiện kế hoạch tài trợ lâu dài, sau đó, các nhà lãnh đạo sẽ tiếp tục gặp mặt để tổng kết các hoạt động bảo tồn hổ trong năm 2011[7].

Hội nghị ở St. Petersburg là hội nghị quốc tế đầu tiên với mục tiêu cùng chung sức bảo tồn loài hổ trên thế giới thế giới, đó là một cuộc tập trung chưa từng có những nhà lãnh đạo quốc gia để đi đến quyết tâm gia tăng gấp đôi số hổ trong tự nhiên vào năm 2022, chưa hề bao giờ có đuợc ủng hộ chính trị đối với việc bảo tồn một chủng loài đơn lẻ như thế này[3]. Kết quả mà hội nghị thượng đỉnh đạt được là tất cả các nước này đã thông qua chương trình Phục hồi Hổ Toàn cầu, có nghĩa là giờ đây có tất cả các nguyên thủ của 13 nước tán đồng một kế hoạch duy nhất để tiến tới bảo tồn loài hổ. Kết quả là ngày quốc tế về bảo tồn hổ đã ra đời.

Các nhà lãnh đạo thế giới cũng đồng ý từ nay đến năm 2022 sẽ tăng gấp đôi số hổ so với hiện tại. Tuy nhiên ưu tiên trước mắt của họ là ngăn chặn tình trạng săn bắn trộm và buôn lậu hổ của những nhóm tội phạm có tổ chức [18]. Những cam kết đóng góp quỹ ban đầu được đưa ra tại hội nghị sẽ giúp cho các hành động bảo tồn hổ được xúc tiến. Tuy nhiên cần phải huy động thêm nhiều nguồn quỹ nữa cho công tác này. Thỏa thuận cho Chương trình Khôi phục Hổ Toàn cầu ước tính các nước cần phải có 330 triệu đô la từ các nguồn tài trợ bên ngoài trong vòng năm năm tới mới có thể hoàn tất mục tiêu đề ra. Khoảng một phần ba nguồn quỹ này sẽ được tài trợ cho những kế hoạch ngăn chặn việc săn bắt hổ và những loài động vật thức ăn của hổ[3].

Kinh phí

Các nhà khoa học ước tính tổng kinh phí hằng năm để quản lý 42 địa điểm bảo tồn hổ đạt hiệu quả là 82 triệu USD/năm, nhưng hiện chỉ có khoảng 47 triệu USD/năm được cam kết cấp vốn từ chính phủ các nước, các nhà tài trợ quốc tế và các nhóm bảo tồn[8]. Tại một Hội nghị thượng đỉnh, để thúc đẩy Chương trình Bảo tồn Hổ Toàn cầu cần phải có tiền. Cam kết đóng góp 100 triệu đôla của Ngân hàng Thế giới và 83 triệu đôla của Quỹ Động vật Hoang dã Thế giới đã được loan báo tại hội nghị thượng đỉnh, nhưng cần phải có thêm tiền để trang trải cho khoản chi phí lên tới 350 triệu đôla trong 5 năm đầu tiên của kế hoạch 12 năm[18].

Bảo tồn hổ hoang dã đồng nghĩa phải bảo tồn sinh cảnh của chúng, điều này khá tốn kém, ước tính cần từ 82 triệu USD/năm

WWF từng cam kết sử dụng 50 triệu USD trong vòng 05 năm tới sau hội nghị cho công tác bảo tồn hổ, và đặt mục tiêu nâng con số đó lên 85 triệu USD và đồng thời công bố kế hoạch hỗ trợ các chính phủ có cam kết cứu loài hổ khỏi bờ tuyệt chủng. Ông Vladimir Putin cho biết chính phủ các nước đã thống nhất chi 127 triệu USD cho Chương trình phục hồi hổ toàn cầu[7]. Ngân hàng Thế giới cũng đồng ý hỗ trợ một số chính phủ các khoản vay lớn, và Quỹ Môi trường Toàn cầu cam kết tài trợ không hoàn lại hàng triệu USD cho Chương trình.

Chương trình phục hồi hổ toàn cầu được xây dựng bởi các quốc gia có hổ ngoài tự nhiên. Chương trình đã lên chi tiết các hoạt động cần thiết nhằm cứu loài hổ sau nhiều thập kỷ bị săn bắn bất hợp pháp và phá huỷ môi trường sống của chúng. Phần lớn chi phí khởi động Chương trình do các quốc gia có hổ đề xuất, lấy từ nguồn ngân sách của chính các quốc gia đó, với sự hỗ trợ của Ngân hàng Thế giới, Quỹ Môi trường Toàn cầu và từ các tổ chức bảo tồn hoạt động tại các quốc gia đó như WWF. Tuy nhiên, ước tính chương trình cần thêm khoảng 350 triệu USD từ cộng đồng quốc tế để triển khai hoạt động[7].

Các nhà quản lý động vật hoang dã phải xem xét toàn bộ nền kinh tế và tìm giải pháp để khắc phục tình trạng môi trường sống của loài hổ đang bị phá vỡ, cần phải phối hợp với các bộ giao thông và các cơ quan lập kế hoạch cũng như bộ năng lượng, cần các nước xem xét bức tranh tổng thể của việc bảo tồn một môi trường bền vững và hiển nhiên hành động này không chỉ để cứu loài hổ mà còn giúp xem xét tới sự phát triển bền vững, bảo vệ rừng đầu nguồn, xem xét khả năng tích trữ cácbon ở những khu vực này[18].

WWF

Quỹ Động vật Hoang dã Thế giới là tổ chức có sự quan tâm và đề ra các giải pháp bảo tồn loài

Chương trình về loài hổ của Quỹ Động vật Hoang dã Thế giới (WWF), một tổ chức đóng vai trò chủ chốt trong công tác bảo tồn loài hổ[18]. Quỹ WWF cho biết, đánh giá sơ bộ thực hiện tại 63 khu bảo tồn thuộc 7 quốc gia có hổ thì chỉ có 22 khu bảo tồn (chiếm khoảng 35%) còn duy trì được những tiêu chuẩn bảo vệ tối thiểu mà WWF đã xây dựng, với thực trạng săn trộm đang đe dọa trực tiếp đến sự sống của các quần thể hổ trên thế giới thì hệ thống khu bảo tồn chính là phòng tuyến bảo vệ đầu tiên chống lại nạn săn trộm. Tuy nhiên, nếu nhìn vào kết quả đánh giá sơ bộ thì đây chưa phải nơi trú ẩn an toàn cho loài hổ[17].

WWF sẽ tăng cường hoạt động tuần tra và phối hợp với chính phủ các nước để ngăn chặn nạn săn bắn hổ và buôn bán trái phép các bộ phận của chúng. Việc tăng cường trách nhiệm của người dân trong việc quản lý rừng cũng sẽ được thúc đẩy. WWF sẽ đền bù thỏa đáng cho những nông dân bị mất gia súc bởi hổ để họ không tìm cách hạ sát chúng (nếu hổ vồ gia súc của nông dân thì những người nông dân này sẽ được bồi thường), theo WWF, nếu muốn cứu hổ, con người phải bảo vệ sinh cảnh sống của chúng. Nhưng sinh cảnh sống của hổ cũng là nơi cư trú của nhiều loài động vật khác, nếu có chiến lược đúng đắn và cứu được loài hổ, chúng ta cũng sẽ bảo vệ được nhiều loài đang bị đe dọa khác[16].

Khó khăn

Quan điểm bảo tồn hổ còn có sự khác biệt, chưa thống nhất từ cấp độ quốc gia đến quốc tế. Ở cấp độ quốc tế, đa phần các quốc gia, các chuyên gia cho rằng việc gây nuôi sinh sản hổ không có lợi cho bảo tồn, mặt khác hoạt động này còn khuyến khích việc tiêu thụ, buôn bán hổ trái phép. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, việc nuôi hổ góp phần duy trì nguồn gen phục vụ tái thả tự nhiên đồng thời thỏa mãn nhu cầu của người tiêu dùng, từ đó giảm áp lực lên săn bắn trái phép. Đối với bảo tồn hổ tự nhiên, các chuyên gia quốc tế cho rằng, việc bảo tồn hổ là yếu tố quan trọng bảo tồn đa dạng sinh học nhưng cũng có ý kiến cho rằng, không nên tập trung vào bảo tồn một loài nhất định mà nên tiếp cận theo hướng bảo tồn đa dạng sinh học nói chung[19].

Hổ cần một sinh cảnh rộng lớn

Sự thiếu nguồn lực con người, tài chính, ưu tiên trong công tác bảo tồn loài, đặc biệt đối với hổ. Hiện chưa có một công trình nghiên cứu nào điều tra sâu về phân bố, tập tính, sinh thái của hổ trong tự nhiên tại từng khu vực, thiếu các nghiên cứu về bảo tồn ngoại vi, cứu hộ, tái thả hổ về tự nhiên. Việc chồng chéo trong quản lý, các văn bản quy phạm pháp luật còn thiếu các chế tài đủ mạnh, thiếu các quy định về tội phạm buôn bán hổ và các loài nguy cấp, quý hiếm.

Thiếu quy hoạch cho bảo tồn hổ, mặc dù hổ là loài biểu tượng của văn hóađược thờ cúng ở nhiều nơi, và cũng là loài chỉ thị sức khỏe các hệ sinh thái nhiều khu rừng thuộc châu Á, nhưng hiện tại chưa có một khu bảo tồn loài cho hổ hay các khu được quy hoạch cho phục hồi hổ. Hoạt động truyền thông giáo dục, bảo tồn nói chung và hổ nói riêng thường chỉ được thực hiện đơn lẻ tại một khu vực nhất định, đối tượng nhất định và thiếu một chiến dịch dài hạn. Các chương trình bảo tồn loài, đa dạng sinh học hiện nay thường được xây dựng và tiến hành độc lập với các chương trình, dự án vùng đệm[19].

Cơ chế hợp tác liên ngành, hợp tác quốc tế còn lỏng lẻo, thiếu sự tham vấn, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan thực thi pháp luật và cơ quan quản lý dẫn đến hiệu quả thực thi chưa cao, thiếu sự thuyết phục với cộng đồng quốc tế. Điều này thể hiện rõ qua Việt Nam là quốc gia nằm trong tuyến đường trung chuyển hổ, tuy nhiên các vụ bắt giữ lại không có sự liên lạc với các quốc gia láng giềng do đó, việc xác định các tổ chức, cá nhân liên quan đến buôn bán trái phép hổ rất khó khăn. Chưa có một khu bảo tồn liên biên giới được thiết lập. Dù Việt Nam đã ký các thỏa thuận hợp tác với Lào, Campuchia, Trung Quốc ở nhiều cấp độ khác nhau nhưng các thỏa thuận mới chỉ ở mức độ nguyên tắc chung mà thiếu các hoạt động triển khai trên thực địa[19].

Việc nuôi hổ rất tốn kém, chẳng hạn như qua vụ bắt giữ một cá thể hổ có trọng lượng 170 kg được nuôi nhốt trong chuồng sắt tại Nghệ An, cá thể hổ này bụng to nhưng có sức khỏe bình thường và khá hiền lành, hai cá thể hổ thu giữ được đơn vị bắt được nuôi vài ngày nhưng riêng tiền ăn bình quân của 2 cá thể hổ này gồm 2 kg thịt bò và một số chân bò, chân trâu để gặm. Mỗi ngày, phải ra chợ mua cho nó bình quân 4 kg thịt bò tươi và 1 kg thịt hoặc sườn lợn, không phải hôm nào chợ huyện cũng có thịt bò bán nên lúc đầu mua trữ để cất vào tủ lạnh cho nó ăn dần, nhưng khi đem thịt từ tủ lạnh ra xả đông để cho ăn, thì nó chỉ ngửi qua rồi chẳng ngó ngàng đến vì loài thú này chỉ ăn thịt động vật khi đang có mùi máu tươi nên cũng phải đi chợ tìm thịt bò tươi[20].

Tính bình quân chi phí cho con hổ này khoảng 500.000 đồng/ngày (bằng tiền mua thức ăn hằng ngày của đơn vị) nên chỉ giữ được một thời gian ngắn và 2 cá thể hổ buộc phải đưa ra gửi tại trang trại nuôi động vật hoang dã, một con nuôi tại vườn quốc gia, việc duy trì nuôi nhốt cá thể hổ này tăng thêm gánh nặng kinh phí cho đơn vị. Cứ tạm tính mỗi ngày chi cho cá thể hổ này 1 triệu đồng x 365 ngày thì mỗi năm sẽ phải chi cho nó trên dưới 365 triệu đồng. Nuôi dài dài từ năm này sang năm khác như thế thì số tiền nuôi hổ sẽ rất lớn. Nếu thả cá thể hổ này vào rừng cũng không dễ vì chúng nuôi nhốt từ nhỏ, nó không dữ tợn như hổ hoang dã, nên thả ra môi trường rừng tự nhiên để tự kiếm ăn thì nó chưa biết cách săn bắt mồi như thế nào, đó là chưa kể toàn bộ móng vuốt đã bị người nuôi cắt trụi, trong quá trình nuôi nhốt, cá thể hổ này đã được cho ăn thêm muối, nên chỉ cần rời khỏi môi trường nuôi nhốt vài ngày là nó sẽ thèm muối và quay về bản làng để tìm muối ăn thì chắc chắn sẽ bị người dân săn bắt hoặc giết hại[20].

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Bảo tồn loài hổ http://m.baonga.com/xa-hoi-nga.nd129/lap-khu-bao-t... http://www.bbc.com/vietnamese/world-38037195 http://www.bbc.com/vietnamese/world-40172102 http://www.rfa.org/vietnamese/news/programs/Scienc... http://www.vast.ac.vn/tin-tuc-su-kien/tin-khoa-hoc... http://m.anninhthudo.vn/chinh-tri-xa-hoi/loai-ho-o... http://antt.vn/vu-chau-be-bi-ho-vo-nghi-van-nup-bo... http://baodatviet.vn/khoa-hoc/su-kien/vo-doi-tuong... http://baophapluat.vn/du-lich/vi-bao-ve-ho-hang-tr... http://m.baophapluat.vn/quoc-te/mang-luoi-buon-ho-...